BÁN HẠ NAM (Củ chóc)
Typhonium trilobatum Schott.
T.divaricatum (L.) Decne
Họ Ráy – Araceae
Đặc điểm thực vật
Là cây mọc hoang ở những nơi ẩm ướt. Nó là loại cỏ, không có thân, thân rễ hình cầu. Lá có cuống dài mọc ra từ thân rễ, phần trên mặt lá chia thuỳ thường có 3 thuỳ. Hoa là bông mo với phần hoa đực dài 5 – 9mm. Quả mọng, hình trứng. Bán hạ phân bố ở hầu hết các tỉnh trong nước ta.
Bộ phận dùng
Thân rễ – Rhizoma Typhonii trilobatii
Sau khi đào lấy củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, củ to đem bổ đôi, phơi khô hoặc sấy khô.
Trước khi dùng bán hạ cần phải chế biến kỹ để loại chất ngứa, chất gây kích thích cổ họng. Có nhiều cách chế biến khác nhau, như chế với phèn chua, với vôi tôi, với gừng, với cam thảo, bồ kết…
Thành phần hoá học
Từ thân rễ bán hạ nam xác định hàm lượng alcaloid toàn phần 0,35%, coumarin 0,20%, sterol toàn phần 0,18% trong đó có (3 – sitosterol, các acid amin và saponin. Ngoài ra còn có các nguyên tố vô cơ iod, Ca, p, Fe, Na, K, chất béo, vitamin B, caroten và acid folic.
Tác dụng sinh học
Bán hạ có tác dụng trừ đờm
Thành phần sterol và saponosid cũng có tác dụng trừ đờm
Cao lỏng bán hạ có tác dụng chống ho, thành phần coumarin, sterol và saponin cũng cho tác dụng chống ho tốt.
Ngoài ra bán hạ còn có tác dụng chống nôn trên động vật (chó). Alcaloid toàn phần có tác dụng chống nôn tốt hơn những thành phần khác.
Công dụng
Bán hạ là một trong những vị thuốc ôn hoá hàn đờm, có tác dụng ráo thấp, trừ đờm, chỉ ho. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm khó long. Còn dùng trong các bệnh hen suyễn, khó thở kèm theo mất ngủ, hoa mắt. Ngoài ra bán hạ còn được dùng điều trị khi vị khí nghịch gây nôn, nấc, hoặc các trường hợp đờm ngưng đọng ở não gây chứng động kinh, co giật có thể phối hợp bán hạ với chi xác, phèn phi. Bán hạ còn được dùng ngoài trị rắn cắn bằng cách dùng bán hạ tươi, giã nát đắp vào chỗ bị thương
Liều dùng 6 – 12 g