Phòng cảm mạo:
Những chứng ho thông thường đều đi kèm với bệnh cảm mạo, cảm mạo phong hàn hoặc cảm mạo phong nhiệt; nhất là cảm mạo phong hàn là nguyên nhân rất quan trọng làm cho chứng ho phát triển. Và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh hen nếu như việc điều trị không đến nơi đến chốn. Do đó, để phòng bệnh ho hen trước hết phải đề phòng cảm mạo. Việc đề phòng cảm mạo trước hết cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể để có điều kiện chống lại bệnh tật (ngoại tà); mặt khác cần chú ý đề phòng các yếu tố của lục dâm (phong, hàn, thử phấp, táo hoả) xâm phạm vào phần biểu mà gây ra cảm mạo. Ví dụ hàn tà xâm phạm phần biểu gây ra cảm mạo phong hàn. Do đó cần đề phòng “yếu tố lạnh” của môi trường, hoặc nhiệt tà xâm phạm phần biểu sẽ gây ra bệnh cảm mạo phong nhiệt. Do đó cần đề phòng “yếu tố nhiệt” của môi trường. Như vậy yếu tố nóng hoặc lạnh, của môi trường đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến chứng ho và hen.
Hơi hoá chất
Rất nhiều hoá chất, đặc biệt hoá chất bay hơi sẽ là nguyên nhân trực tiếp gây ho hen, nhất là hen. Các hơi hoá chất này, kích thích vào khí quản, gây co thắt dẫn đến cơn khó thở tức ngực, ho hen ví dụ etherethylic, ether dầu hoả, ethyl acetat, n – butanol, amoniac, sulfuro’, hơi sơn… hoặc hơi bốc ra từ các đống rác, nước bẩn do môi trường ô nhiễm cũng gây ra các cơn khó thở; đặc biệt ở những cơ thể đã bị viêm phế quản. Do vậy cần chú ý trang bị những dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc với các yếu tố hoá học. Mặt khác cần giữ gìn môi trường sống; thiên nhiên thật trong sạch, bầu không khí trong lành, sẽ là điều kiện tốt phòng tránh ho hen và giúp cho những người bị ho hen dễ lành bệnh.
Không nên hút thuốc lào, thuốc lá
Trong khói thuốc lào, thuốc lá có hàng trăm chất độc, chất có hàm lượng lớn nhất là nicotin. Khi khói thuốc kích thích vào họng và khí quản sẽ gây ra ho và lên cơn co thắt khí quản, nhất là ở những người đã bị ho, hen. Do đó đối với những người này, sau khi hít phải khói thuốc, lập tức sẽ bị ho sặc sụa, và khó thở.
Hơn thế nữa trong khói thuốc có nhiều chất nhựa; sau khi bị hít vào phế, sẽ bám vào các thành khí quản và phế nang, cản trở việc trao đổi dưỡng khí, làm cơ thể thiếu oxy, dẫn đến khí đoản và khó thở.
Đọc thêm tại:
- http://caythuoccotruyen.blogspot.com/
- http://caythuoccotruyen.blogspot.com/2015/04/tac-dung-cua-qua-tao-ta-trong-viec-chua.html
- http://caythuoccotruyen.blogspot.com/2015/05/thanh-phan-saponin-co-tac-dung-tot-cho.html