CAM THẢO NAM Scoparia dulcis L.
Họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae
Đặc điểm thực vật
Cam thảo Nam còn gọi là cam thảo đất, là loại cỏ, có thân mọc thẳng, cao chừng 50 – 80cm, thân nhẵn. Lá đơn, mọc đôi hoặc mọc vòng 3 lá một. Phiến lá hình mác hay hình trứng ngược, dài độ 3cm rộng 12mm, có cuống ngắn, mép lá xẻ răng cưa, phía dưới hầu như nguyên, rễ to hình trụ mầu trắng nhạt. Hoa nhỏ mầu trắng mọc ở kẽ lá thành từng đồi hay riêng lẻ. Quả nhỏ hình cầu. Cam thảo Nam mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương…
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Scopariae
Đào lấy cả rễ, rửa sạch, chặt nhỏ, phơi khô. Khi dùng sao vàng.
Thành phần hoá học
Trong cam thảo Nam có alcaloid, chất đắng, chất dầu trong đó có dulciol, scopariol, manitol, manitol glucose; ngoài ra còn có amellin, p – sitosterol tanin, acid xilixic.
Tác dụng sinh học
Cam thảo Nam có tác dụng an thần, giảm hoạt động tự phát của chuột thí nghiệm, tác dụng trên hồi tràng chuột lang. Amellin tác dụng chống đái đường, làm giảm lượng đường trong máu và nước tiểu
Công dụng
Cam thảo Nam được dùng để chữa ho, ho do viêm họng, viêm phế quản mạn tính. Còn dùng khi sốt, bị ban sởi hoặc ỉa chảy, lỵ, kinh nguyệt nhiều. Gần đây nhiều người áp dụng điều trị đái đường
Liều dùng: 8 – 12 g
***
CAO BAN LONG (Lộc giác giao)
Colla comus cervi
Đặc điểm vị thuốc
Cao ban long là chế phẩm bào chế bằng cách nấu từ sừng hươu, nai, sau khi đã xử lý sạch đi các phụ liệu như gừng tươi và rượu. Thành phần chủ yếu của cao ban long là keratin, các acid amin như cystein, tyrosin, leuxin acginin, alinin, lysin, acid glytamic.
Công dụng
Cao ban long được dùng để chữa ho ra máu vì gelatin trong cao có tác dụng cầm máu; do đó còn được dùng trị các bệnh chảy máu đường tiêu hoá như chảy máu dạ dầy, ruột, kinh nguyệt nhiều, băng huyết hoặc các bệnh mồ hôi nhiều, tiểu nhiều. Ngoài ra còn được dùng với tính chất làm thuốc bồi bổ cơ thể.
- Liều dùng 8 – 12g
Từ khóa tìm kiếm nhiều: tác
dụng của táo, các cây thuốc
quý