Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Những khái niệm về bệnh ho

Ho là gì ?

Y học cổ truyền coi ho là chứng khái thấu. Ho thường gắn liền với các chứng bệnh thường gặp sau đây:

+ Ho do phong hàn phạm phế

    Bệnh thường xẩy ra ở mùa lạnh, hoặc khi bị nhiễm lạnh ngay cả khi ở mùa nóng; đó là chứng ho do bệnh cảm mạo phong hàn, sốt cao rét run, đau đầu, đau họng và kèm theo ho nhiều, đờm loãng, mầu trắng, không mùi, dễ long và dễ khạc ra. Họng thường ngứa, kích thích, làm cho các cơn ho đến mau hơn. Thường gắn liền với phương pháp sơ phong tán hàn, tuyên phế hoá đờm.

+ Ho do phong nhiệt phạm phế

    Bệnh thường xảy ra ở mùa nóng nực, đó là chứng ho do bệnh cảm mạo phong nhiệt, sốt cao không rét, ra nhiều mồ hôi, đau đầu, đau họng và kèm theo ho có đờm đặc, dính quánh, thường có mùi hôi tanh, có màu vàng hoặc xanh; thể chất dính nhớt, khó long, khó khạc. Họng đau ngứa dễ bị kích thích làm cơn ho đến mau hơn. Thường gắn liền với phương pháp sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế hoá đờm

+ Ho do đờm nhiệt khuẩn phế

   Từ chứng phong nhiệt phạm phế, dẫn đến mạn tính mà gây ra. Thường biểu hiện ho ít nhưng hơi thở gấp (khí thúc) đờm vàng dính khó long. Khi ho thì ngực đau rát, miệng khô háo khát, họng khô rát, mặt đỏ. Thường gắn liền với phương pháp thanh nhiệt hoá đờm.

+ Ho do đờm thấp phục phế

   Ho nhiều lần, mỗi lần có cơn ho kéo dài. Tiếng ho nặng, đờm dính, nhiều đờm, dễ long. Nôn ra đờm dãi. Thường gắn liền với phương pháp táo thấp hoá đờm.

Những khái niệm về bệnh ho


+ Ho do hàn ẩm phục phế

   Từ chứng phong hàn phạm phế, dẫn đến mạn tính mà gây ra. Ho lâu ngày, mùa lạnh thì phát mạnh hơn hay tái phát kèm theo các triệu chứng thở ngắn hơi (đoản khí) đờm loãng mà dính, mầu trắng, đờm có nhiều bọt. Người sợ lạnh thường gắn liền với phương pháp ôn phế hoá đờm.

   Ngoài các chứng trạng kể trên, ho còn biểu hiện ở các chứng hậu phong ôn (viêm phổi) hoặc ho do chứng phế âm hư (lao phổi) ho kèm theo sốt về buổi chiều lưỡng quyền hồng (hai gò má đỏ), miệng khô khát, ho khan ít đờm thường kèm theo máu (khái huyết), hoặc ho do thể phế âm hư kèm theo các triệu chứng âm hư hoả vượng, cũng sốt về chiều, ho kèm theo đau nhức xương cốt, ra nhiều mồ hôi trộm, đặc biệt ở lòng bàn tay bàn chấn, đau ngực, sút cân, ngủ ít, nam thường di tinh, nữ thường biểu hiện kinh nguyệt không đều; cũng có khi ho do chứng phế ung (áp xe phổi) biểu hiện sốt cao, rét nhiều, ho nhiều đờm quánh dính đau ngực, đôi khi khạc ra đờm lẫn mủ xanh, tanh hôi, trong đờm có máu, sườn ngực đau tức.

   Như vậy ho liên quan đến nhiều chứng hậu khác nhau và chính ho cũng là một phản ứng của cơ thể trước một tác nhân gây kích thích đường hô hấp. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của đường hô hấp, chông lại các vật lạ, và sự tắc nghẽn của các chất xuất tiết phế quản mà y học cổ truyền gọi là đàm (đờm). Trên thực tế, về mặt sinh lý, ho là do có sự kích thích các thụ thể thần kinh tại chỗ trong vùng dây thanh âm, khí quản… đôi khi cả ở màng nhĩ hoặc ở vùng thực quản, màng ngoài tim, cơ hoành, dạ dày… Do đó ho chỉ là một chứng, thể hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến. Chính vì vậy để chữa bệnh ho, cần phải tìm hiểu kỹ những nguyên nhân dẫn đến ho. Trên cơ sở đó việc điều trị mới có những hiệu quả mong muốn.